's flower

“MẸ” Những ngày gần đây, Sài Gòn cứ mưa tầm tã, mưa dầm dề, mưa như tiếng nỉ non, day dứt của đất trời mãi không thôi. Đường phố Sài Gòn dần biến thành những con sông bất đắc dĩ Giữa cảnh trời đất mù mịt ấy, chúng ta thấy được nhiều cảnh tượng ấm áp và cảm động đến lạ. Trong đó có hình ảnh một người mẹ, giữa cơn mưa âm ỉ, trên chiếc xe đạp đã cũ, nhường chiếc áo mưa của mình cho đứa con, cố gắng dùng sức để giữ chiếc xe khỏi ngã trong dòng nước, bằng mọi cách cho đứa con của mình được khô ráo. Hình ảnh ấy khiến cho bất cứ ai nhìn vào cũng thấy sự bao la của tình mẫu tử. Tình mẫu tử là tình yêu cuồng nhiệt, nhưng dịu dàng, là sóng thét nhưng rất êm ả, là dữ dội nhưng rất nhẹ nhàng. Đó là những lúc ai đó làm tổn thương con, mẹ có thể như một con mãnh hổ đứng ra che chở và sẵn sàng giơ móng vuốt của mình để không ai có thể làm con tổn thương. Nhưng đối với con vô cùng ân cần, trìu mến. Tình mẫu tử còn là lúc cuộc sống khó khăn, cơm không đủ ăn mà mẹ luôn bảo mẹ no rồi và nhường hết cho con. Tình mẫu tử còn đồng nghĩa với tình thương bao dung vô hạn. Dù con có phạm sai lầm, dù cả thế giới có quay lưng với con thì mẹ vẫn sẵn sàng ôm con vào lòng, tha thứ cho con tất cả. Tình mẫu tử còn là sự hy sinh: “Con hỏi ước mơ của mẹ thế nào Đã quá lâu, chẳng còn ai hỏi mẹ như thế Suýt chút nữa, mẹ cũng quên mình từng thế nào. Cũng có ước mơ, mơ được sống cuộc đời riêng mình” Trong bài hát “Ước mơ của mẹ” của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyến đã khắc họa phần nào sự hy sinh của mẹ. Khi con hỏi ước mơ của mẹ là gì? Nó làm mẹ sống dậy những kí ức ngủ quên mà suýt chút nữa mẹ nghĩ nó chưa từng tồn tại. Khi còn trẻ mẹ cũng có những ước mơ, những hoài bão. Mẹ cũng mơ ước được đi khắp đó đây, cũng muốn được khám phá những chân trời mới lạ. Cho đến khi mẹ biết rằng mình đang mang trong người một sinh linh bé nhỏ chính là con thì tất cả tình yêu thương, hoài bão và ước mơ của mẹ chỉ là con. Tuổi thơ của tôi lớn lên gắn liền với sông nước miền tây, gắn liền với những giọt mồ hôi của mẹ. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, ba chị em tự ngủ cùng nhau. Mẹ như thân cò buổi tối phải ra bến cảng để chọn mua từng con cá tươi ngon nhất mang về bán ở chợ. Đến khuya mẹ vội vã về chuẩn bị cho kịp phiên chợ sớm mai. Cả đêm mẹ hầu như không hề chợp mắt. Ấy thế mà tôi thấy nụ cười luôn trên môi của mẹ khi nhìn chị em tôi. Mỗi ngày, công việc của mẹ vẫn đều đặn như thế. Thời bấy giờ, phương tiện duy nhất đỡ đần giúp mẹ là chiếc xe đạp với phần căm xe đã có phần xiêu vẹo vì chở trên yên quá nặng những giỏ cá, giỏ tôm. Vậy mà mẹ tôi vẫn một mình đạp xe trong đêm chở số lượng cá còn nặng hơn gấp 2, gấp 3 lần số cân nặng của mẹ. Đôi vai mẹ đã gầy mỗi ngày tôi nhận ra nó còn gầy hơn vì chúng tôi. Có những hôm trời mưa, mẹ vẫn không nghỉ bán. Chiếc xe đạp đã quá tải nay càng gồng mình cùng mẹ đi trong đêm mưa gió. Vì chúng con mà mẹ quá vất vả rồi mẹ ơi! Những khi nhìn mẹ một mình chống chọi với cuộc sống, trong đầu tôi chỉ vọng lại tiếng nói, phải cố gắng học, cố gắng phấn đấu để đền đáp lại sự hy sinh của mẹ. Đến ngày tôi phải rời quê hương lên Sài Gòn nhập học. Mẹ vội từ chợ về để đưa tôi ra bến xe. Lúc này tôi nhìn mẹ, người phụ nữ một đời lam lũ vì con, người ta quần áo đẹp thơm mùi nước hoa còn mẹ tôi chỉ có bộ quần áo cũ, chiếc áo khoát sờn vai đứng xa con vì sợ mùi cá tôm dính bẩn con. Tôi đã dặn lòng sẽ không khóc để mẹ an lòng, nhưng khi nhìn những giọt nước mắt của mẹ tôi đã khóc tôi ôm chặt mẹ mặc kệ mùi cá tôm, mùi mà người khác né tránh nhưng với tôi là thiêng liêng vì có bóng hình của mẹ. Sau bao năm phấn đấu, bây giờ tôi đã thực hiện được lời hứa với mẹ, thực hiện được ước mơ của mẹ. Đôi vai mẹ đã nhẹ hơn, đôi mắt mẹ không còn những vết thăm vì những đêm thức khuya, những lo lắng trong mẹ cũng vơi đi phần nào. Chỉ duy nhất nụ cười mẹ vẫn như thế nụ cười rất tươi, nụ cười khi nhìn thấy những đứa con của mình khôn lớn và thành công. Dù đã được đi nhiều nơi, được ngửi nhiều loại nước hoa đắt tiền nhưng đối với tôi, mùi nước mắn, mùi cá tôm sẽ là mùi hương đặc trưng không bao giờ tôi quên được. Nó là mùi của quê hương, mùi của mẹ. "Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá - Sao đong đầy hai tiếng: Mẹ ơi". Ngô Thị Duyên_Giáo viên_SGA Tô Vĩnh Diện