Đức Thành Vũ Trần's flower

Tôi thực sự rất ghét mẹ của tôi. Mọi người có thể cho rằng tôi là một thằng con bất hiếu, không biết điều nhưng liệu rằng mọi người có biết lý do mà tôi lại ghét mẹ tôi không? Từ nhỏ tới giờ, tôi vẫn luôn phải nghe theo mọi điều mà mẹ tôi bảo dù đó có phải là những yêu cầu vô lý và khắc khe đến thế nào, nếu không nghe lời thì thường sẽ bị mẹ đánh và nói ra những lời cay nghiệt như: “Tao là mẹ mày, tao nuôi mày lớn thế kia để mày cãi tao hả? Nếu mày không thích thì mày biến ra khỏi nhà, thích làm gì thì làm”. Không chỉ riêng tôi mà đến cả chị em tôi cũng bị mẹ đối xử tệ bạc chả khác gì những người “ăn nhờ ở đậu” vậy. Tôi là con thứ ba trong một gia đình gồm có mẹ, hai người chị và một em gái. Bố tôi mất khi tôi lên lớp 9, gia đình lúc ấy khá suy sụp. Thời gian trôi đi, mọi thứ dần trở lại bình thường, tôi bắt đầu năm học lớp 10. Tính tình của mẹ tôi thời gian đó cũng thay đổi rất nhiều, lúc nào cũng dễ tức giận, kiếm chuyện để chửi chị em tôi dù vấn đề chả to tát tí nào. Mẹ còn ép tôi học những khóa học thêm rất mắc tiền dù tôi đã phản đối vì trình độ học của tôi khá tốt nên không cần phải học thêm. Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ khi tôi học lớp 11, tôi chuyển về gần nhà học, đây là năm tôi không thể quên những gì tôi đối xử với mẹ. Ngày hôm đó là một ngày đặc biệt, tôi đã dặn mẹ đón sớm hơn để chuẩn bị chơi với mà mẹ lại quên. Báo hại là hôm đó, tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ về nhà và bị trễ hẹn. Về tới nhà, tôi cãi lộn với mẹ, nói những câu nói mà chính tôi cũng không tưởng tượng được. Nhưng mọi việc đã bắt đầu đổi thay khi tôi học lớp 12. Tôi đã gặp khó khăn lớn với đám bạn cùng khối. Đó là những đứa bạn mà tôi từng nói với mẹ là chúng còn tốt với tôi hơn cả mẹ. Chúng tôi bắt đầu chia phe và lên Facebook lời qua tiếng lại, rồi chúng kéo nhau đến tận nhà để đòi đánh. Rồi chúng cô lập để bạn bè chung lớp dần xa lánh tôi. Mâu thuẫn kéo dài, nhiều ngày liên tiếp và điều đó khiến tôi mất ăn mất ngủ. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng của mình, tôi kể cho mẹ nghe những rắc rối và xin mẹ cho chuyển trường. Hôm đó, tôi bị mẹ la rất nhiều, mẹ bảo tôi: “Mày chết đi cho nhẹ đầu” và quyết định cho tôi nghỉ học luôn. Tôi đã rất tức giận, tôi muốn xách ba lô rời khỏi nhà cho rồi nhưng tôi chợt nhận mình chẳng có nơi nào để đi và làm gì để sống. Tôi đành cắn răng bất lực, ngồi khóc nức nở trong phòng. Sau một năm chịu đựng những điều đó, cuối cùng kì thi lên đại học cũng đã kết thúc. Suốt cả thời gian đó, tôi đã không nhìn mặt và nói chuyện với mẹ. Có lẽ khoảng khắc vui nhất trong cuộc đời của tôi là khi nghe tin tôi nhận được học bổng để học ở trường nội trú khá nổi tiếng, nơi mà ở đó không còn bị mẹ cằn nhằn, sai khiến, quản lý mọi việc sinh hoạt của tôi. Tôi có thể tha hồ làm những gì mình thích, làm những điều mà tôi chưa từng làm, tiêu tiền vào những thứ tôi thích. Vào ngày cuối cùng trước khi dọn đi, tôi chẳng thèm chào mẹ một câu và rời đi. Tôi chợt nhận ra mình bỏ quên đồ nên đã quay lại lấy nhưng sau đó một điều khiến tôi bất ngờ là mẹ đang ở trong phòng tôi ngồi khóc. Lúc đó trong lòng tôi cực kì bối rối, không biết phải làm gì trong tình huống này. Tôi nín lặng, rời đi một cách lặng lẽ. Khi đã đến chỗ ở của tôi ở trường nội trú, tôi không ngừng suy nghĩ về những gì xảy ra lúc đó, tôi lúc đó muốn vào đó hỏi mẹ tại sao lại khóc nhưng lại quá nhát gan, khó xử. Tôi đêm đó đã nghĩ về những gì mà mẹ tôi đã làm suốt năm qua. Mặc cho những điều tồi tệ mà mẹ đã làm với tôi, trong lòng tôi vẫn cảm thấy mẹ thật tội nghiệp khi phải trải qua cú sốc mất người chồng, phải một mình nuôi cả 4 chị em chúng tôi khôn lớn. Mẹ đã phải chịu những áp lực công việc và xoay sở để nuôi cả gia đình được no đủ. Dù nhiều lúc gia đình có nhiều xích mích nhưng mẹ tôi vẫn luôn nghĩ cho gia đình và cho chị em tôi những thứ tốt nhất. Tính mẹ mặc dù rất hà khắc, dễ nổi nóng với những điều nhỏ nhặt nhưng có lẽ đó là cách để mẹ giải tỏa những áp lực mà mẹ đang phải chịu. Chẳng qua là tôi và chị em tôi không cảm nhận được điều đó. Đi học nội trú xa nhà, tôi lại muốn quay về khoảnh khắc tươi đẹp khi có mẹ bên cạnh. Tôi thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn. Mẹ không hề ghét bỏ tôi như tôi nghĩ, hồi bé mẹ bắt tôi ngủ trưa và học bài thì tốt cho tôi chứ mẹ có được gì. Đánh tôi đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần mẹ đánh tôi là tối mẹ lại ngồi xoa bóp cho tôi. Và ở trường mới, tôi phải vô cùng biết ơn cô giáo dạy văn của mình. Bởi cô đã từng dạy để giúp mỗi chúng tôi kịp nhận ra rằng: “Cha mẹ chúng ta là những người rất tốt, tuy đôi khi họ có thể chưa đúng, những chắc chắn một việc đúng nhất mà họ đã làm được là cho chúng ta được đến trường.  Để chúng ta hiểu được là chúng ta có sự hiểu biết và nhận thức nhằm hóa giải những mâu thuẫn của thế hệ và thời đại. Tôi dần thấy và cảm nhận rằng, dù mẹ có thể là người phụ nữ quê mùa nhưng mẹ đã hy sinh cả công việc và sự nghiệp của mình để chăm sóc chị em tôi… Là một người con trai, sau này lớn lên tôi cũng làm ba. Tôi cũng không muốn con mình sau này như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải là bạn bè mà là gia đình, là ba, là mẹ, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi tôi lớn lên. Giờ đây, khi đã đủ nhận thức để trưởng thành, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ! Vì con không bao giờ chịu ngồi xuống lắng nghe lời mẹ dạy, con đã luôn bỏ ngoài tai những gì mẹ dặn dò, răn bảo. Con hư đốn lắm phải không mẹ? Những việc mà con gây ra chắc chắn đã làm mẹ tổn thương nhiều lắm. nhưng dù sao con cũng thấy mình may mắn vì đã kịp thời nhận ra để biết tôn trọng mẹ từng phút, từng giây khi mẹ còn bên cạnh… Vũ Trần Đức Thành-Sinh viên-Đại học Gia Định